Loa thông minh OLLI Maika: Trợ lý ảo hỗ trợ tiếng việt
Chiếc loa thông minh OLLI Maika đã ra mắt từ giữa năm 2021 vừa rồi nhưng đến bây giờ mình mới có dịp trên tay sản phẩm này, nhưng là phiên bản đặc biệt kèm bộ quà Magic Box mới mà OLLI vừa bắt đầu bán.
Loa thông minh OLLI có gì hay?
Phiên bản thường của chiếc loa chỉ bao gồm thân loa và vài phụ kiện cơ bản để dùng, nhưng nếu bạn mua bản Magic Box sẽ có thêm chiếc điều khiển từ xa tổng từ Điện Quang, bộ sticker, bookmark, đế loa hình nhân vật xinh xắn, một chiếc áo phông và thư cảm ơn. Trong số này có bộ điều khiển là giá trị và rất hay, có thể kết nối với loa OLLI để điều khiển các thiết bị trong nhà chỉ bằng giọng nói.
Riêng về chiếc loa, nó có kích thước khá lớn, thân hình trụ được phủ bằng lớp vải lưới đen, phía trên là một nắp bằng nhựa với vòng đèn LED đổi màu, hệ thống nút điều khiển và 4 micro đa hướng để phát hiện giọng nói. Bên dưới lớp vải là 1 củ loa toàn dải 40mm 15W và 2 màng loa trầm thụ động cho âm lượng khá lớn, chất lượng ra sao mình sẽ nhận xét riêng phía dưới.
Ngoại hình đơn giản và khá hiện đại nên loa này đặt đâu trông cũng hợp, có phần hơi chìm và chỉ nổi bật lên khi đọc lệnh “Maika ơi” để vòng đèn xanh ngọc sáng lên. Vòng này sẽ đổi nhiều màu khác nhau tùy theo tình trạng hoạt động, ví dụ khi tắt micro sẽ sáng màu đỏ, khi khởi động là màu trắng, bật Bluetooth là xanh dương đậm…
Theo thông tin mình biết, loa OLLI này có nhiều thành phần nhập khẩu nhưng được lắp ráp toàn bộ ở Việt Nam. Phía dưới là vài hình ảnh về xưởng sản xuất của hãng tại Tp. Hồ Chí Minh.
Cô trợ lý ảo Maika siêu “ngoan”, giọng “ngọt xớt”
Ấn tượng đầu tiên của mình về cô trợ lý ảo Maika không phải vì biết nói tiếng Việt, mà là vì cô này nói giọng rất ngọt và lễ phép. Bình thường các trợ lý ảo nước ngoài sẽ trả lời trống không, cảm giác bằng vai phải lứa, nhưng Maika thì lúc nào cũng gọi dạ bảo vâng, kính cẩn nhỏ nhẹ như rót mật vào tai vậy.
Thực ra đây cũng là cái rất hay để hút người Việt, nhất là với ai muốn mua cho cả nhà dùng, gồm cả ông bà, bố mẹ lớn tuổi hay con nhỏ. Dù Maika nói giọng Nam nhưng cô nàng vẫn nhận diện được đủ giọng nói Bắc – Trung – Nam.
Ngoài ra, mình thấy nhiều người thắc mắc sao trợ lý ảo người Việt mà không đặt tên tiếng Việt. Điều này dễ hiểu thôi, vì nếu đặt tên tiếng Việt thì sẽ dễ bị trùng với tên người thật, hoạt động khó hơn nhiều. Cái tên Maika nghe đủ lạ nhưng cũng rất dễ đọc, cả trẻ con và người già đều có thể đọc được. Ngay cả Apple và Amazon cũng đâu chọn những cái tên thuần tiếng Anh để đặt cho trợ lý ảo của mình?
Nhận diện được nhiều câu lệnh không?
Đi kèm hộp sản phẩm là 1 tập ghi chú nhỏ có sẵn hầu hết các câu lệnh mà Maika có thể hiểu và thực hiện được. Về cơ bản đều là rất đủ cho nhu cầu hàng ngày, từ hỏi thời tiết, tin tức, nghe đài, đặt báo thức, nhắc việc, nghe nhạc, đọc truyện… thậm chí hỏi giá vàng hôm nay bao nhiêu cũng biết … Cái hay của Maika là các thông tin này đều được tối ưu cho người Việt và cũng thường xuyên được cập nhật thêm câu lệnh mới để mở rộng khả năng hỗ trợ.
Maika có thể nhận diện xen kẽ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ở bản cập nhật mới nhất, cô nàng có thể đóng vai trò như phiên dịch viên khá nhiều thứ tiếng, cứ nói tiếng này thì cô sẽ dịch ngay ra tiếng còn lại khá nhanh, độ chính xác thì tương đương dùng Google Dịch.
Bên cạnh đó, bản cập nhật này còn thêm tính năng nghe radio trực tiếp, nghe tin tức theo từng chủ đề (xã hội, tài chính, thể thao…). Tính năng tạo lời nhắc cũng đã được cải thiện, có thể nhắc theo lịch trong tuần hoặc lịch hàng ngày. Ví dụ câu lệnh: Nhắc tôi đánh răng vào 6h sáng mỗi ngày, nhắc tôi rửa bát vào 7h tối mỗi ngày, nhắc tôi tập gym vào 5h sáng T7, Chủ Nhật tuần này… cô nàng đều hiểu.
Thử vài câu lệnh với trợ lý ảo thuần Việt Maika.
Chất lượng micro và nhận diện giọng nói của Maika khá ổn. Loa nhận khẩu lệnh Maika ơi rất nhạy, trả lời ngay lập tức. Khả năng nhận diện tiếng Việt tốt (nếu bạn không đọc dính từ), câu chữ hơi thay đổi chút so với lệnh chuẩn nhưng vẫn đúng ngữ nghĩa thì cô nàng đều hiểu. Ví dụ, muốn nghe dự báo thời tiết mà hỏi “Mai trời mưa không”, “Mai có nắng không”, “Thời tiết ngày mai thế nào”… đều nhận được câu trả lời.
Ứng dụng điều khiển trên smartphone
Thực ra, để dùng thử trợ lý ảo Maika, bạn chưa cần phải mua chiếc loa OLLI về vì ứng dụng Maika cho điện thoại Android và iOS đã tích hợp sẵn trợ lý ảo này. Các câu lệnh đều hoạt động y hệt nhau, cũng trả lời bằng giọng nói nhưng bạn phải bấm vào nút micro trên màn hình chứ không thể gọi bằng cụm “Maika ơi” như với chiếc loa.
Trong ứng dụng này, bạn có thể điều khiển chiếc loa, tìm kiếm thông tin về câu lệnh, cách sử dụng loa và nhiều cài đặt khác liên quan đến nhà thông minh. Bản cập nhật mới của OLLI cũng đã nâng số lượng thương hiệu nhà thông minh hỗ trợ lên hơn 20, gấp đôi so với khi mới ra mắt. Trong đó có vài cái tên quen thuộc như BKAV smart home, Điện Quang, TuyA Smart, Viettel, Rạng Đông…
Nói về nhà thông minh, chiếc điều khiển hồng ngoại trung tâm Điện Quang trong combo Magic Box dùng khá tiện. Mình đã thử kết nối với loa và có thể bảo cô Maika mở TV, chuyển kênh, tăng giảm nhiệt độ điều hòa được. Các câu lệnh đều in sẵn trong cuốn note đi kèm hộp loa.
Chất lượng âm thanh thế nào?
Mình có đọc qua nhiều đánh giá trên mạng về loa OLLI và thấy không ít người chê âm thanh của loa không hay. Khi nghe thử thì mình thấy không hề tệ, cơ bản vì OLLI không phải là loa để phát nhạc.
Dù có 2 màng loa thụ động nhưng lượng âm trầm của loa khá ít, phần lớn chỉ tập trung vào dải trung để làm nổi lên phần giọng nói của Maika là chính. Vì thế khi nghe các loại nhạc “xập xình” sẽ thấy bị thiếu thốn, không đủ hay, nhưng nếu nghe nhạc nhẹ, nhạc trữ tình như Vũ hay Adele thì thật sự “đỉnh” vì thể hiện giọng rất êm và mượt.
Ngoài ra, âm lượng của loa cũng ở mức đủ dùng cho phòng cỡ 20 – 25m2, khi bật 100% âm lượng đôi khi hơi rè và thường mình chỉ để cỡ 50 – 70% là nghe ổn nhất.
Một điểm trừ nhỏ mình nghĩ OLLI nên cải thiện trong tương lai là hiện tượng nhiễu điện từ. Mỗi khi gọi Maika lên sẽ có tiếng rè rè phát ra từ loa, nhịp nhàng theo dải đèn chạy trên thân một lúc rồi hết. Đây chẳng phải lỗi lớn lắm nhưng mỗi lần dùng là thấy hơi khó chịu, mất đi cảm giác xịn xò của loa.
Vẫn cần cải thiện nhiều
Sau vài ngày trải nghiệm mình thấy khá thích chiếc loa này, thường là để nghe nhạc, nghe dự báo thời tiết, bật tiếng ồn trắng và dùng TV. Tuy nhiên, loa vẫn còn rất nhiều câu lệnh cần thêm vào.
OLLI có thể học hỏi cách Samsung làm với Bixby, khi mà hãng cho phép người dùng dạy Bixby các câu lệnh để làm gì, hoặc tạo câu lệnh vắn tắt cho một/nhiều hành động nào đó.
Ứng dụng điều khiển trên điện thoại cũng chưa thực sự hoàn thiện. Hiện tại mình thấy rất khó yêu cầu loa thực hiện hành động nào đó bằng điện thoại mà luôn phải gọi trực tiếp. Dù chỉ đơn giản như phát bài nhạc theo ý muốn thôi nhưng phải qua rất nhiều bước mới làm xong.
Ngoài ra, loa OLLI hiện chỉ mới liên kết được với Nhạc Của Tui nên nhiều bạn đang dùng Spotify hay Apple Music chắc sẽ không thích. Đây cũng là gợi ý của rất nhiều người dùng, và hy vọng OLLI sẽ sớm liên kết được với các dịch vụ phát nhạc khác.
Loa OLLI giá bao nhiêu?
Hiện tại nếu bạn mua loa OLLI riêng lẻ sẽ có giá khoảng 2.3 triệu đồng, còn phiên bản combo Magic box là 3.99 triệu đồng. Nếu quan tâm, bạn có thể đặt mua qua link phía dưới. Theo mình được biết hãng sẽ mở sale giảm khá mạnh vào ngày 12.12, ai thích nên đặt mua sớm kẻo hết khuyến mãi.